Tin tức

Nguồn gốc & Ý nghĩa Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11)

Nguồn gốc & Ý nghĩa Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11)

Ngày 20/11 - Ngày Nhà giáo Việt Nam hàng năm luôn là một ngày ý nghĩa đối với tất cả mọi con người Việt Nam. Dù còn đi học hay đã bước ra khỏi ghế nhà trường thì mỗi người đều dành cho những “nhà giáo” từng dạy cho chúng ta nhiều kiến thức sự trân trọng nhất định, và ngày này mọi người thể hiện điều đó. Hãy cùng Đất Hợp tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Nhà giáo Việt Nam trong bài viết này nhé!

Nguồn gốc của Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11)

Là ngày mà các thế hệ học trò thể hiện tình yêu thương, lòng kính trọng, biết ơn của mình đối với thầy, cô giáo. Tuy nhiên không phải ai cũng biết được nguồn gốc của ngày Nhà giáo Việt Nam, 20/11 có từ khi nào.

20/11 - Ngày nhà giáo Việt Nam.

Ngày 20/11 ra đời bắt nguồn từ việc Công đoàn Giáo dục Việt Nam trở thành là một trong những thành viên của tổ chức FISE.

FISE là tên viết tắt của Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục (Féderation International Syndicale des Enseignants) được thành lập vào tháng 1/1946 tại Pháp. FISE được ra đời với ý nghĩa bảo vệ quyền lợi chân chính của các nhà giáo. Với đội ngũ nòng cốt là các nhà giáo xã hội chủ nghĩa, năm 1949 “Hiến chương các Nhà giáo" gồm 15 chương đã được ra đời với nội dung chủ yếu là:

  • Đấu tranh chống mọi quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản động, phản dân chủ, phản khoa học của nền giáo dục tư sản, phong kiến nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ và khoa học.
  • Đấu tranh thủ tiêu các chế độ bạc đãi, coi khinh nghề dạy học và ra sức bảo vệ những quyền lợi về vật chất, tinh thần chính đáng cho các nhà giáo.
  • Quy định một số điều đối với các nhà giáo, đặc biệt nêu cao vị trí nghề dạy học và những người dạy học.

Năm 1953, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tham gia hội nghị FISE tại Viên (Áo) và trở thành thành viên của tổ chức này, dưới sự hướng dẫn của Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn. Liên kết với FISE, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tố cáo âm mưu xâm lược của đế quốc đối với nhân dân ta trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Đồng thời ta cũng giới thiệu thành tích của nền giáo dục cách mạng trong nước.

Tháng 8/1957, tại hội nghị FISE được tổ chức tại Vacsava, với sự tham gia của Công đoàn giáo dục Việt Nam và 57 Quốc gia khác đã quyết định chọn ngày 20/11 hàng năm trở thành ngày “Quốc tế HIến chương các nhà giáo”.

“Quốc tế Hiến chương các nhà giáo” lần đầu tiên được tổ chức tại nước ta là ở toàn miền Bắc vào ngày 20/11/1958. Tại các tỉnh miền Nam cũng được tổ chức lễ 20/11 vào các năm sau đó khi giải phóng. Ngày 28/9/1982, theo nghị định của ngành Giáo dục, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 167 - HĐBT về ngày Nhà giáo Việt Nam, chính thức xác định ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam.

Quyết định số 167/HĐBT, ngày 26/9/1982 quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Ý nghĩa Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11)

Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) là một ngày đặc biệt với toàn thể người dân Việt Nam với ý nghĩa tôn vinh và tri ân những người làm công tác trồng người.

Với truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, 20/11 trở thành một ngày đặc biệt để toàn thể những người học trò thể hiện sự biết ơn của mình với tất cả thầy cô. Đồng thời cũng là ngày mà cả đất nước hướng về ngành giáo dục, thể hiện sự tri ân đến những “người lái đò thầm lặng”. Các hoạt động, lễ kỷ niệm, tôn vinh và tri ân các thầy cô giáo được tổ chức đồng thời trên toàn quốc vào ngày 20/11, thể hiện ý nghĩa tốt đẹp của ngày “Nhà giáo Việt Nam”.

Đây cũng là thời điểm để ngành giáo dục Việt Nam nhìn lại và đánh giá hiệu quả của công tác giáo dục trên cả nước. Từ đó xây dựng ra các đường hướng phát triển tốt hơn trong tương lai, giúp đất nước ta luôn nuôi dưỡng được những con người có tài, có đức và có ích cho xã hội.

Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 thật sự là một ngày ý nghĩa với rất nhiều người dân Việt Nam. Đất Hợp xin cảm ơn các thầy cô giáo, gửi đến tất cả thầy cô những điều ý nghĩa và tốt đẹp nhất. Cảm ơn các thầy cô đã dành cả trái tim của mình cho sự nghiệp “trăm năm trồng người”.