Tin tức

Cái Tết của người làm “Nghề đo đạc”

Cái Tết của người làm “Nghề đo đạc”

Tôi còn nhớ như in đó là cái Tết năm 2006, lúc đó tôi mới đi làm được 3 năm, và đó cũng là lần đầu tiên tôi đón Tết xa nhà, một cái Tết ở thôn bản cùng Anh Em trong tổ và bà con ở bản, đã cho tôi nhiều cảm xúc lẫn lộn.

Tôi tốt nghiệp ngành Trắc địa của một trường đại học thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi Trường ở Hà Nội vào năm 2002, tính đến nay cũng ngót nghét hơn 20 năm. Ra trường, tôi được nhận thử việc ở Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) của tỉnh, nhưng là một tỉnh thành xa lạ, cách xa quê tôi hơn 300 cây số.

Công việc của tôi trong năm đầu tiên là phụ việc cho các anh trong tổ, chuẩn bị máy để đi đo, cầm mia, cầm gương, trà thuốc... Lúc đó tôi đã nghĩ rằng công việc kể ra cũng nhàn, còn được cho nghỉ Tết sớm. Sau hơn 2 năm, tôi đã sử dụng thành thạo một số loại máy đo đạc cơ bản… và đã được giao công việc đi đo chính ngoài thực địa, những vất vả trong nghề đã làm tôi trăn trở có làm nghề này nữa hay không.

Cụ thể công việc của tôi là đo biến động của đất; đo mốc, cắm ranh để cấp sổ đỏ; đo phân lô, cắm nền để quy hoạch; đo thu thập dữ liệu để thành lập bản đồ… Ngoài ra, tôi còn hỗ trợ nhiều việc khác của Trung tâm như: Đo khảo sát địa hình, phối hợp với địa phương giải thích về công việc của mình làm cho người dân hiểu để công việc suôn sẻ hơn.

Ở thời điểm đó, hầu như công việc của tôi đều phải lặp đi lặp lại rất nhiều lần ở nhiều khu vực khác nhau do đất nước đang ở trong giai đoạn mới phát triển, địa phương còn thiếu nhiều dữ liệu bản đồ nền, thiếu máy móc thiết bị, có nhiều hôm tôi phải làm việc từ 6 giờ sáng đến đêm, thậm chí phải làm thâu đêm để xử lý nội nghiệp.

Khoảng vào tháng 12 năm 2005, tôi được giao nhiệm vụ đo đạc để lấy dữ liệu lập bản đồ ở một vùng cao, cách Trung tâm tôi làm việc khoảng 60km. Tổ đo của tôi gồm 4 người, phương tiện di chuyển lúc đó của chúng tôi là xe máy. Xuất phát từ lúc 5 giờ sáng, nhưng phải đến gần 9 giờ chúng tôi mới đến nơi do đường đèo khá khó đi, nhiều đoạn phải dẫn xe đi bộ.

Chúng tôi có 40 ngày để hoàn thành công việc được giao. Để tiết kiệm thời gian đi về, chúng tôi xin ở lại nhà người dân ở khu bản và thật may, chúng tôi được chào đón rất nhiệt tình. Nhưng lần này công việc có phần khó khăn hơn, xe chúng tôi chỉ lên được đến trên khu bản, phải đi bộ để đến địa điểm cần đo, ngày qua ngày đoạn đường đi bộ lại càng nhiều hơn, chưa kể là điều kiện đo hiểm trở làm chậm tiến độ công việc, vì thế mà dù đã đến 25 Tết (sau 44 ngày đo) mà vẫn còn nhiều công việc chưa hoàn thành.

Tổ đo của tôi đã quyết định cùng nhau đo xuyên Tết để kịp số liệu gửi lên cấp trên sau thời gian nghỉ Tết, dù trong thâm tâm ai cũng muốn về nhà, nhưng hoàn thành công việc cũng là một lời hứa mà chúng tôi đã cam kết khi được giao nhiệm vụ. Ban ngày chúng tôi đi đo, ban đêm cố gắng xử lý nội nghiệp ngay tại chỗ nghỉ để đẩy nhanh tiến độ.

Giao thừa năm đó là vào đêm 29 Tết, chúng tôi kết thúc công việc sớm hơn mọi ngày để về bản cùng người dân bản ở đây chuẩn bị đón giao thừa. Cái Tết của những người dân vùng cao tuy có nhiều khác biệt với tôi nhưng cũng có đầy đủ bánh chưng, bánh tét. Nhưng bánh chưng ở đây là loại “bánh chưng đen”, một món ăn ngày Tết đặc trưng của người dân tộc Tày. Chúng tôi cùng nhau nhảy múa quanh đống lửa và uống rượu Ngô, cảm giác thật ấm lòng cho những ai đón Tết xa nhà giống như tôi. Thế nhưng, cảm giác nhớ nhà, nhớ người thân vẫn còn đọng lại làm khóe mắt rưng rưng.

Ngày Mùng 1 Tết, tôi được tham gia vào một trò chơi đặc trưng của người dân tộc Tày là “Lày cỏ”. Ai nấy cũng đều rất vui vẻ và háo hức. Riêng tôi, tôi đã có chút xao xuyến khi va phải ánh mắt của một cô giáo viên nhỏ nhắn trong trang phục Tày truyền thống, mà sau này cô gái ấy chính là vợ của tôi…

Sớm Mùng 2 Tết, chúng tôi trở lại với công việc để cho kịp tiến độ. May mắn thay, thời tiết những ngày đầu năm mới khá đẹp, chúng tôi thực hiện công việc khá suôn sẻ. Đến sáng Mùng 6, những công việc cuối cùng cũng đã được hoàn thành, tổ của tôi được Cơ quan cho nghỉ bù 3 ngày để về quê đón Tết cùng gia đình.

Ở cái tuổi 25, 26, trải nghiệm lần đầu đón Tết xa nhà là một cái gì đó rất đáng nhớ mà mãi đến sau này tôi cũng không thể nào quên được. Đó là lần đầu tiên tôi gặp phải áp lực tiến độ công việc, lần đầu tiên tôi sống và sinh hoạt với người dân vùng cao, và cũng là lần đầu tiên tôi đón một cái Tết xa nhà với những món ăn và phong tục lạ lẫm nhưng rất thú vị. Và hơn cả là một nàng dâu cho bố mẹ…

Về sau này, khi trải qua nhiều khó khăn của công việc và sự thay đổi của công nghệ đo đạc, tôi mới hiểu rằng, đam mê là thứ giúp tôi có thể ở lại với cái nghề này cho đến tận bây giờ. Chúc cho những ai đọc được bài viết này sẽ có thêm động lực ở lại với “nghề đo đạc”, không chỉ là vì cơm áo gạo tiền, mà còn để góp phần vào mục tiêu quản lý đất đai, quản lý tài nguyên được tốt hơn.

“Đời Trắc địa dầm mình trong sương gió

Lấy 3 chân làm điểm tựa tình yêu

Dẫu thời gian có phủ bụi xanh rêu

Vẫn mỉm cười: Hoa tình yêu đấy chứ!”

** Lời chia sẻ của một Kỹ sư đo đạc

** Created by Đất Hợp

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY TNHH ĐẤT HỢP

Địa chỉ: Số 2, Đường số 4, Khu nhà ở Vạn Phúc 1, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM

Tel: (028).3.6208.606

Mobile: 0903 825 125

Email: cskh@dathop.com.vn

Website: https://dathop.com.vn/ - https://dathop.com/