Tin tức

Vai trò của Trắc địa trong đời sống, xã hội, kinh tế

Vai trò của Trắc địa trong đời sống, xã hội, kinh tế

Là một ngành không thể thiếu trong cuộc sống, trắc địa đang ngày càng thể hiện rõ vai trò và nhiệm vụ mình đi kèm với sự phát triển của kinh tế, xã hội. Hãy cùng Đất Hợp tìm hiểu rõ hơn qua bài viết sau nhé!

Vai trò của trắc địa trong đời sống xã hội

Trắc địa là một ngành có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Bởi trắc địa là ngành điều tra cơ bản, nó cung cấp tài liệu cho hầu hết các ngành kinh tế quốc dân và quốc phòng:

  • Các số liệu trắc địa đóng vai trò lớn trong công tác nghiên cứu của các ngành khoa học về Trái Đất.
  • Trong các ngành kinh tế, kỹ thuật và quản lý nhà nước thì bản đồ địa hình, bản đồ địa chính và các loại bản đồ chuyên đề là không thể thiếu.
  • Đối với an ninh, quốc phòng, bản đồ địa hình sẽ là tài liệu quan trọng cho công tác lập kế hoạch và chỉ huy tác chiến.

Kỹ sư Trắc địa đang đo đạc ngoài công trình thực tế.

Ngoài ra, chúng ta có thể thấy rõ vai trò đặc biệt của ngành trắc địa qua các giai đoạn khi thực hiện các công trình xây dựng như thủy điện, thủy lợi, cầu đường, khu dân cư, khu công nghiệp,..v..v….:

  • Giai đoạn quy hoạch: Giai đoạn này cần sử dụng bản đồ địa hình với tỷ lệ nhỏ và vạch ra các phương án quy hoạch tổng thể, các phương án xây dựng công trình, các kế hoạch tổng quát khai thác và sử dụng công trình.
  • Giai đoạn khảo sát: Nghiên cứu và tổng hợp các điều kiện tự nhiên của vùng xây dựng. Các số liệu về địa hình, địa mạo, địa chất công trình, địa chất thủy văn, khí tượng,..v..v… sẽ được thu thập. Từ đó đưa ra các giải pháp kỹ thuật hợp lý cho việc thiết kế xây dựng công trình. Đề xuất các yêu cầu và tiến hành thành lập lưới khống chế trắc địa khu vực, đo vẽ bản đồ địa hình tỷ lệ trung bình, đo vẽ mặt cắt địa hình theo các tuyến công trình, phục vụ cho giai đoạn thiết kế.
  • Giai đoạn thiết kế: Cần phải xây dựng bản đồ địa hình, mặt cắt tỷ lệ lớn để có thể lên chi tiết thiết kế. Chuẩn bị các phương án trắc địa để chuyển từ thiết kế ra thực địa.
  • Giai đoạn thi công: Phải tiến hành công tác xây dựng lưới cơ sở trắc địa phục vụ cắm công trình, chuyển thiết kế ra thực địa đúng vị trí, kích thước đã được thiết kế. Đồng thời phải theo dõi thi công hàng ngày, điều này sẽ đảm bảo công trình có kết cấu đúng với thiết kế.
  • Giai đoạn hoàn công: Khi công trình được hoàn thành cần phải được đo vẽ hoàn công. Mục đích và để kiểm tra vị trí, kích thước công trình đã xây dựng. Tiến hành công tác trắc địa để phục vụ quan trắc biến dạng công trình gồm đo độ lún của nền móng, xác định được độ xê dịch vị trí mặt bằng và độ nghiêng của công trình.

Ngày nay, máy tính và các phần mềm chuyên dụng không ngừng phát triển giúp ngành trắc địa xử lý nhanh chóng và chính xác toàn bộ số liệu, thành lập và lưu trữ bản đồ dưới dạng số, tạo ra điều kiện thuận lợi để tích hợp và sử dụng hợp lý các thông tin.

Một số các thiết bị trắc địa thông dụng

Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp các thiết bị trắc địa sau, tùy vào công trình đang ở giai đoạn nào và quy mô công trình ra sao. Sau đây là là một số thiết bị trắc địa phổ biến.

Các loại máy đo đạc trắc địa cơ bản:

Các loại máy đo đạc cơ bản dùng trong trắc địa có thể kể tới như:

  • Máy kinh vĩ: Thiết bị dùng cho việc đo các loại góc. Cụ thể như đo góc mặt bằng hay góc đứng trong không gian. Một vài trường hợp khác, máy kinh vĩ còn được dùng để đo khoảng cách hoặc độ cao.

Máy kinh vĩ điện tử Hi-Target HDT2.

  • Máy toàn đạc: Là một thiết bị không thể thiếu trong khảo sát và xây dựng công trình. Máy toàn đạc thực tế là một máy kinh vĩ điện tử được tích hợp với chức năng đo khoảng cách và phần mềm tính toán.

Máy toàn đạc điện tử Trimble C3.

  • Máy thủy bình: Còn thường được gọi là máy thủy chuẩn, dùng khi cần đo chênh cao giữa 2 điểm trên cùng 1 mặt phẳng.

Máy thủy bình điện tử Trimble Dini.

  • Máy cân bằng laser: Là thiết bị sử dụng tia laser để xác định được các điểm cân đối góc vuông, đường thẳng nhanh chóng. Được dùng phổ biến trong thi công công trình, trang trí nội thất. Ngoài ra thiết bị còn thường được gọi là máy quét tia laser.

Máy cân bằng laser GPI GP 570LG.

  • Máy thông tầng: Là thiết bị giúp xác định độ chính xác theo phương thẳng đứng của công trình. Máy còn có những tên gọi khác là máy chiếu đứng, máy chiếu thiên đỉnh hay máy dọi ngược.

Máy thông tầng FOIF DZJ2.

  • Máy định vị GPS cầm tay: Là thiết bị cầm tay có thiết kế nhỏ gọn, phục vụ cho việc xác định tọa độ, vị trí cơ bản. Ứng dụng phổ biến nhất của máy GPS cầm tay có thể kể đến là: xác định vị trí, phương hướng, đo tọa độ, tính toán chu vi, diện tích,… và còn có tên gọi khác là máy đo diện tích đất.

Máy định vị GPS cầm tay Garmin Etrex 10.

  • Máy đo khoảng cách cầm tay: Dùng để đo khoảng cách, đo chiều cao, chiều dài hoặc tính toán diện tích một cách nhanh chóng.

Máy Đo Khoảng Cách Cầm Tay GPI P801.

Các loại máy đo đạc trắc địa công nghệ cao:

Các loại máy đo công nghệ cao được dùng phổ biến như:

  • Máy định vị GNSS RTK: Là thiết bị cung cấp khả năng định vị và xác định vị trí một cách chính xác thông qua sử dụng sóng vệ tinh.

Máy định vị GNSS RTK Trimble R780.

  • Máy Scan 3D Laser: Thiết bị sử dụng công nghệ quét 3D từ nguồn sáng của tia laser và phản xạ trở lại, từ đó tính được khoảng cách.

Máy Scan 3D Laser là một thiết bị công nghệ cao trong ngành Trắc địa.

  • Máy bay không người lái (Drone): Là hệ thống bao gồm: thiết bị bay, người điều khiển tại mặt đất và thiết bị kết nối giữa người điều khiển và máy bay. Máy bay sẽ giúp thu thập dữ liệu hình ảnh, vị trí từ trên cao, hỗ trợ công tác khảo sát, thành lập bản đồ…v…v…

Máy bay không người lái DJI.

Vậy là qua bài viết này chúng ta đã hiểu sâu hơn về vai trò của ngành trắc địa, cũng như một vài thiết bị trắc địa được ứng dụng phổ biến. Mong rằng nội dung trong bài viết này hữu ích với các bạn. Để có được các thông tin hữu ích khác về ngành Trắc địa, đừng quên theo dõi Website của Đất Hợp nhé!

>>> Xem thêm: CÔNG NGHỆ GNSS ĐƯỢC ỨNG DỤNG TRONG TRẮC ĐỊA NHƯ THẾ NÀO?