Tin tức

Sản lượng tôm nuôi ở Sóc Trăng ước đạt hơn 130 nghìn tấn (tính đến Tháng 10/2022)

Sản lượng tôm nuôi ở Sóc Trăng ước đạt hơn 130 nghìn tấn (tính đến Tháng 10/2022)

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, tính đến tháng 10/2022, sản lượng nuôi tôm ở tỉnh Sóc Trăng đã đạt 130 nghìn tấn tôm nuôi nước lợ. Trong đó, bao gồm 125.972 tấn tôm thẻ chân trắng và 8.235 tấn tôm sú.

Thông tin cụ thể về sản lượng tôm nuôi ở Sóc Trăng

Tôm nước lợ chiếm 50.588 ha/14.045 triệu giống trên tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên toàn tỉnh Sóc Trăng theo số liệu thống kê tính đến hết ngày 15/9/2022

Trong đó cụ thể đối với tôm thẻ chân trắng và tôm sú là:

  • Tôm thẻ chân trắng: 38.708 ha chiếm 76.5%.
  • Tôm sú: 11.880 ha chiếm 23.5%.

Tổng diện tích nuôi tôm đạt 99.2% so với kế hoạch và bằng 115.2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong thời gian 9 tháng đầu năm 2022, sản lượng tôm nuôi ở Sóc Trăng đã đạt 78% so với kế hoạch đầu năm và hơn 12.2% so với cùng kỳ năm 2021. Sỡ dĩ có được kết quả này do bà con nông dân đã áp dụng các công nghệ mới một cách hiệu quả trong quá trình nuôi. Bà con đã thận trọng hơn ngay từ những công đoạn đầu tiên, cụ thể là:

  • Lựa chọn tôm giống chất lượng, rõ nguồn gốc, không mang mầm bệnh.
  • Lựa chọn thời điểm thả nuôi hợp lý, tuân theo hướng dẫn thời vụ của địa phương.
  • Áp dụng công nghệ sinh học bằng việc sử dụng men vi sinh, hạn chế kháng sinh và phân hoá học.

Hình 1. Sản lượng tôm nuôi ở Sóc Trăng tăng do bà con nông dân đã áp dụng các công nghệ mới, hiệu quả cho ao nuôi tôm.

Chính nhờ các việc làm trên mà tình hình xuất hiện dịch bệnh tại các ao nuôi được kiểm soát hiệu quả. Tỷ lệ thiệt hại giảm đáng kể, giúp bà con tăng giá trị tôm thành phẩm.

Hoạt động tuyên truyền cho công tác nuôi tôm nước lợ

Để đạt được các thành công về mặt sản lượng tôm nuôi như trên, một phần lớn nhờ vào các hoạt động tuyên truyền về kiến thức nuôi tôm trên toàn địa bàn. Chi cục Thủy sản cũng đã phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình để thực hiện thành công 3 chuyên mục khuyến nông. Các chuyên mục này được thực hiện với nội dung chính là về:

  • Các công tác chuẩn bị cho vụ tôm nuôi nước lợ năm 2022.
  • Hướng dẫn cơ sở sản xuất, cách ương giống tôm và hệ thống kiểm soát chất lượng tôm, mức độ an toàn sinh học.
  • Hướng dẫn cơ sở nuôi tôm nước lợ xây dựng cơ sở đáp ứng điều kiện nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Ngoài việc thực hiện 03 chuyên mục trên, 03 cuộc Hội nghị chuyên đề về tôm nuôi nước lợ cũng được thực hiện, trong đó có:

  • Hội nghị “Phát triển tư duy kinh tế trong sản xuất tôm nước lợ năm 2022”.
  • Hội nghị “Phòng bệnh cho tôm trong mùa mưa”.
  • Hội nghị “Lấy ý kiến lần 2 – Dự thảo Đề án Nuôi tôm nước tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022-2025, và tầm nhìn đến năm 2030”.

Các hoạt động tuyên truyền được thực hiện đã góp phần giúp bà con nuôi tôm trên địa bàn không ngừng cập nhật được các thông tin mới nhất. Song song đó, bà con có thể cập nhật được các thông tin về hướng dẫn cách nuôi tôm hiệu quả để đảm bảo mùa vụ thành công, cũng như cách xử lý các vấn đề thường gặp phải trong quá trình nuôi.

Hình 2.  Hoạt động tuyên truyền đóng góp phần lớn vào các mùa vụ thành công cho bà con nuôi tôm tỉnh Sóc Trăng.

Các đơn vị sản xuất tôm áp dụng thực hành sản xuất tốt

Theo tổng kết đến hết Tháng 10/2022, toàn tỉnh Sóc Trăng đã có 35 đơn vị sản xuất tôm áp dụng thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, ASC, GlobalGAP, BAP). 35 đơn vị này chiếm 1.656,8 ha trên địa bàn khu vực.

Chính nhờ việc áp dụng thực hành sản xuất tốt đã tạo điều kiện thuận lợi để Chi cục Thủy sản liên kết với các nhà máy chế biến thu tôm nguyên liệu. Cụ thể trong số đó có 4 hợp tác xã với diện tích gần 200 ha nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC. Bao gồm: HTX Toàn Thắng Thủy sản, HTX Hòa Nghĩa, HTX Hưng Phú và HTX Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A.

Hoạt động kiểm tra định kỳ toàn tỉnh đảm bảo chất lượng tôm

Hoạt động kiểm tra định kỳ là không thể thiếu để đảm bảo chất lượng tôm nuôi. Cơ quan chức năng tại tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành thẩm định 20 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn trong 2022. Trong đó có 11 cơ sở kiểm tra định kỳ – 09A, 02B, 09 cơ sở cấp mới – 05A, 04B); đã kiểm tra điều kiện 10 cơ sở (02 cơ sở sản xuất giống, 08 cơ sở sản xuất thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường); kiểm tra điều kiện NTTS 03 cơ sở.

Ngoài ra cũng có hơn 3000 hồ sơ được gửi về cơ quan chức năng để đăng ký cấp giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản lồng bè, hiện là đối tượng thủy sản nuôi chủ lực tại địa bàn. Trong số đó có 31 hồ sơ đăng ký là Công ty, Doanh nghiệp và 3.678 hồ sơ của hộ nuôi, chiếm 9,24% tổng số hộ nuôi.

Tỉnh Sóc Trăng cũng đã có kế hoạch cho việc tăng cường hơn công tác kiểm tra, thanh tra liên ngành. Việc làm này sẽ nhằm giúp ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm:

  • Vi phạm pháp luật về sản xuất.
  • Vi phạm trong kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng.
  • Vi phạm về an toàn thực phẩm.
  • Vi phạm về việc sử dụng bơm chích các loại hóa chất, tạp chất trong thủy sản nuôi.

Các Sở, Ngành có liên quan cũng sẽ cùng nhau phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm soát chất lượng môi trường vùng nuôi tôm. Đặc biệt là các hoạt động có gây nguy hại cho môi trường cao như: hành vi xả thải, bơm bùn thải ra môi trường bên ngoài của từng hộ nuôi.

Toàn tỉnh cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng sản xuất an toàn và trách nhiệm theo các quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC,… để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ.

Công tác quan trắc, cảnh báo môi trường cũng được tăng cường tại các vùng nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ 4.0. Việc này giúp kịp thời đưa ra các cảnh báo đến bà con nuôi tôm, giúp hạn chế thiệt hại khi có diễn biến phức tạp về thời tiết, khí hậu, dịch bệnh.

Nguồn: Tổng cục Thủy sản

>>> Xem thêm: 12 chỉ tiêu môi trường ao nuôi tôm bà con cần biết!

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY TNHH ĐẤT HỢP

Địa chỉ: Số 2, Đường số 4, Khu nhà ở Vạn Phúc 1, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM

Tel: (028).3.6208.606

Mobile: 0903 825 125

Email: cskh@dathop.com.vn

Website: https://dathop.com.vn/ - https://dathop.com/