Tin tức

Nghiên cứu giải pháp cấp nước phục vụ nuôi tôm nước lợ ven biển Nam Trung Bộ

Nghiên cứu giải pháp cấp nước phục vụ nuôi tôm nước lợ ven biển Nam Trung Bộ

Bài viết này là một nghiên cứu tổng hợp và đánh giá hiện trạng hạ tầng cấp nước ngọt, thoát nước và xử lý nước thải tại các vùng nuôi tôm thuộc ven biển Nam Trung Bộ. Bài nghiên cứu này từng được đăng trên Tạp chí Khoa học kỹ thuật (KHKT) Thuỷ lợi và Môi trường, số 43 (12/2018). Hãy cùng chúng tôi điểm qua nội dung của nghiên cứu này nhé!

Giới thiệu chung về vùng nuôi tôm nước lợ ven biển Nam Trung Bộ

Toàn vùng Nam Trung Bộ hiện đang có tổng diện tích nuôi tôm khoảng 14.500 ha. Trong đó:

  • 81% diện tích nuôi tôm thuộc vùng ảnh hưởng bởi triều (chủ yếu là bán thâm canh).
  • 19% diện tích nuôi tôm không thuộc vùng ảnh hưởng bởi triều (vùng cát, chủ yếu là thâm canh).

Ninh Thuận, Bình Thuận là các tỉnh có tỷ lệ nuôi trồng thủy sản giống tập trung chiếm 90%, với rất nhiều doanh nghiệp thủy sản giống lớn, cung cấp giống cho cả nước. Dự báo đến năm 2030 diện tích nuôi tôm tại vùng nước lợ ven biển Nam Trung Bộ này sẽ chiếm khoảng 13.335 ha.

Hình 1. Dự báo đến năm 2030, diện tích nuôi tôm tại vùng nước lợ ven biển Nam Trung Bộ sẽ chiếm khoảng 13.335 ha.

Hiện nay các vùng nuôi tôm nước lợ tập trung thuộc vùng ven biển Nam Trung Bộ có tới 95% chưa được xây dựng hệ thống cấp nước ngọt. Một số nguồn đã và đang có hệ thống cấp nước ngọt thì lại phụ thuộc với hệ thống tưới tiêu phục vụ cho nông nghiệp. Do các công trình cấp nước ngọt chủ yếu đang phục vụ tưới kết hợp cho thủy sản. Lịch cấp nước cho việc nuôi tôm cũng phụ thuộc theo lịch thời vụ tưới. Chính vì lý do này đã dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt cho việc nuôi tôm tại khu vực. Tiếp nối đó là các thương phẩm không thể tuân thủ theo quy trình nuôi tôm được khuyến cáo, từ đây năng suất và chất lượng của tôm thành phẩm bị hạn chế.

Kết cấu các công trình dẫn nước vẫn còn thô sơ với phần lớn kênh tấm lát bê tông, kênh đất hở chạy qua nhiều khu vực đông dân cư, công nghiệp và nông nghiệp nên thường bị xả thải trực tiếp vào kênh làm cho nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Điều này khiến chất lượng nước cho nuôi tôm không được đảm bảo.

Bà con nuôi tôm tại khu vực đang phải sử dụng nguồn nước ngọt từ nước ngầm và sản xuất cầm chừng. Đặc biệt vào các mùa khô hạn thiếu nước, bà con phải mua nước ngọt từ các hệ thống cấp nước sinh hoạt. Điều này khiến giá tôm giống đầu ra bị tăng cao.

Có thể thấy được tình hình thực tế khá yếu kém trong cơ sở hạ tầng tạo nguồn cấp nước ngọt cho việc nuôi tôm. Chính vì vậy mà nghiên cứu đã được thực hiện dựa trên các cơ sở kết quả tính toán phân vùng theo khu nuôi. Từ đó đề xuất các giải pháp tạo nguồn cấp nước ngọt và tính toán đề xuất các giải pháp kỹ thuật hạ tầng về cấp thoát nước cho các khu nuôi được phân vùng.

Hình 2. Hạn chế về cơ sở hạ tầng cung cấp nước ngọt gây khó khăn trong nuôi tôm.

Phương pháp nghiên cứu giải pháp cấp nước vùng nuôi tôm nước lợ ven biển Nam Trung Bộ

- Phương pháp đo đạc chất lượng nước

Cần thực hiện khảo sát chất lượng nước nhằm đánh giá khả năng cấp nước đảm bảo chất lượng nước ngọt cho các vùng nuôi tôm điển hình là Ninh Lộc (Khánh Hòa) và Ninh Hải (Ninh Thuận).

Quy trình lấy mẫu nước áp dụng theo TCVN 663-1:2011. Mẫu nước lấy ở độ sâu 0.6H tại giữa dòng, nơi có dòng chảy ổn định. Các chỉ số đo đạc bao gồm: Nhiệt độ, DO, pH, độ mặn, độ đục ngoài hiện trường. Mẫu nước được bảo quản bằng hóa chất hoặc được làm lạnh phù hợp với các chỉ tiêu phân tích.

Hình 3. Đánh giá chất lượng nước nuôi tôm.

- Phương pháp định hướng giải pháp tạo nguồn nước

Để định hướng giải pháp tạo nguồn nước cần phải dựa trên tính toán cân bằng nước cho các vùng nuôi và các kết quả đánh giá hiện trạng cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm. Việc tính toán sẽ dựa trên các chỉ tiêu sau:

+ Chỉ tiêu độ mặn nuôi tôm:

Độ mặn phù hợp đem lại năng suất, chất lượng cao cho tôm nuôi sẽ từ 15‰÷25‰. Con số này dựa trên các quy phạm, tài liệu hướng dẫn hiện hành như Tiêu chuẩn ngành  28 TCN 171-2001 Quy trình công nghệ nuôi thâm canh tôm sú, Văn bản 298/TCTS-NTTS ngày 1/2/2013 về nội dung phổ biến mô hình nuôi tôm thành công trong vùng dịch bệnh và quy trình nuôi, sổ tay tài liệu hướng dẫn nuôi trồng thủy sản thực tế trên các địa phương.

Tôm sẽ không đạt chất lượng và năng suất cao nếu độ mặn cao. Quá trình nuôi tôm thương phẩm sẽ bao gồm 5 giai đoạn:

  • Chuẩn bị ao nuôi.
  • Thả giống.
  • 3 giai đoạn phát triển của tôm.

Quá trình nuôi con giống bao gồm 04 giai đoạn:

  • Chuẩn bị ao nuôi.
  • Bắt đầu nuôi.
  • Phát triển.
  • Kết thúc.

+ Chỉ tiêu số lượng nước cấp

Tùy vào từng phân vùng, hình thức nuôi trồng sẽ được tính toán chi tiết lượng nước sử dụng cho 1ha diện tích ao nuôi. Tổng lượng nước yêu cầu dao động từ 6.990÷ 59.200/m3/ha/năm và lượng nước mặn chiếm khoảng 2/3 tổng nhu cầu, còn nước ngọt chiếm khoảng 1/3, tùy thuộc vào độ mặn ở mỗi vùng.

Nhu cầu sử dụng nước ngọt đối với hình thức nuôi thâm canh cao hơn nuôi ở vùng triều, do lượng nước đầu vào chủ yếu lấy trực tiếp từ biển nên có độ mặn cao.

+ Cập nhật tính toán cân bằng nước các lưu vực sông

Hiện nay các lưu vực sông đều đã có tính toán cân bằng nước mặt trong các đồ án quy hoạch thủy lợi, các đề tài nghiên cứu, đặc biệt là đề tài cấp Nhà nước KC08.24/11-25. Nghiên cứu này trên cơ sở kế thừa các mô hình và kết quả của các nghiên cứu hiện có.

Các cập nhật tính toán bổ sung nhu cầu nước của các vùng nuôi thủy sản vốn chưa được đưa vào bài toán cân bằng nước trước đó. Phương án cấp nước ngọt dự kiến từ các công trình thủy lợi, hệ thống sông suối cho các vùng để đánh giá khả năng cân bằng nguồn nước. Sau đó phân tích lựa chọn các giải pháp tạo nguồn cũng như các giải pháp kỹ thuật khác kèm theo.

Sơ đồ hướng tiếp cận tính toán như hình:

 

Kết quả nghiên cứu và thảo luận về giải pháp cấp nước

- Kết quả đo đạc chất lượng nguồn nước:

Khảo sát chất lượng nước được thực hiện tại 06 vị trí trên 2 vùng là: vùng Ninh Phước (Ninh Thuận) và Ninh Lộc (Khánh Hòa). Thời gian thực hiện khảo sát vào thời gian tháng 5/2018 và các tài liệu có liên quan được thu thập tại các tỉnh làm cơ sở xem xét chất lượng nguồn nước.

Kết quả đo đạc và phân tích chất lượng nước cho thấy kết quả chất lượng nước đảm bảo đủ điều kiện nuôi, phù hợp theo “Quy chuẩn Việt Nam 02-19: 2014/BNNPTNT”;. Kết quả điều tra được tóm tắt ở bảng 1:


- Kết quả tính toán cân bằng nước:

Sau khi tính toán cân bằng nguồn nước mặt cho thấy, hiện có 5 vùng đảm bảo được nguồn nước trong hiện tại và tương lai. Ngoài ra có 5 vùng thiếu nước trong cả hiện tại và tương lai (bảng 2). Khi tính toán cân bằng với các giải pháp đi kèm về tạo nguồn, còn một số vùng ven biển nuôi tôm trên cát vẫn rất khó khăn trong việc tạo nguồn nước. Chính vì lý do này mà tương lai các khu vực này vẫn thiếu nước và phải tận dụng nguồn nước ngầm tại chỗ.

Kết quả và đề xuất giải pháp tạo nguồn cấp nước

Theo quy hoạch ngành của các địa phương tới năm 2030, sẽ còn 22 phân vùng tiếp tục nuôi tôm, hai phân vùng chuyển đổi sang phát triển du lịch. Giải pháp nguồn nước ngọt được lựa chọn sau khi tính toán cân bằng nước và biện pháp kỹ thuật công trình đã được đề xuất cho các vùng nuôi bao gồm bốn giải pháp chính sau:

  • (i) Đối với các khu nuôi thuộc vùng ảnh hưởng bởi triều: cần khai thác nguồn nước ngọt, lợ sẵn có trên dòng chính hoặc đầm phá, giải pháp chính là làm trạm bơm/cống và kênh trục để lấy nước chủ động theo thủy triều;
  • (ii) Đối với các vùng nuôi thâm canh hạ lưu các hệ thống thủy lợi lớn: có thể khai thác nguồn nước từ các kênh thủy lợi (như hệ thống kênh Thạch Nham, Phú Ninh), giải pháp chính là sử dụng trạm bơm và đường ống lấy nước từ kênh chính của hệ thống để giảm thiểu ô nhiễm dọc kênh mương;
  • (iii) Đối với các vùng khan hiếm nước và có tiềm năng tạo nguồn bằng giải pháp công trình: bổ sung nhiệm vụ cấp nước cho nuôi trồng thủy sản nước lợ từ các hồ thủy lợi dự kiến trong vùng, đối với các hệ thống xây mới có thể dễ dàng thiết lập hệ thống hạ tầng phù hợp với từng vùng nuôi, tuy nhiên khuyến nghị hệ thống phân phối nước là hệ thống ống kín;
  • (iv) Đối với các vùng khan hiếm nước và không thể tạo nguồn, cần khai thác hợp lý nguồn nước ngầm hiện có, tuy nhiên diện tích nuôi cần dựa trên các đánh giá về trữ lượng và chất lượng nước ngầm của mỗi khu vực.

Với nghiên cứu này chúng ta đã có thể có cái nhìn tổng quan về nguồn nước cấp tại các vùng ven biển Nam Trung Bộ. Đồng thời cũng tìm ra các giải pháp cải thiện các vấn đề còn tồn đọng. Mong rằng những nội dung trong bài viết cũng như nghiên cứu này đưa ra hữu ích với bà con nuôi tôm.

Nguồn: Khoa học kỹ thuật thủy lợi và môi trường - Số 63 (12/2018)

>>> Xem thêm: KHẢ NĂNG LÀM SẠCH NƯỚC NUÔI TÔM, CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG AO CỦA VI SINH

 

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

 

 

CÔNG TY TNHH ĐẤT HỢP

 

Địa chỉ: Số 2, Đường số 4, Khu nhà ở Vạn Phúc 1, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM

 

Tel: (028).3.6208.606

 

Mobile: 0903 825 125

 

Email: cskh@dathop.com.vn

 

Website: https://dathop.com.vn/ - https://dathop.com/