Tin tức

Lịch sử phát triển ngành Trắc địa

Lịch sử phát triển ngành Trắc địa

Trắc địa là một ngành đóng vai trò nhất định trong cuộc sống và sự phát triển của xã hội. Vậy bạn đã biết gì về ngành này, vai trò của nó ra sao và nó đã phát triển như thế nào? Hãy cùng Đất Hợp tìm hiểu qua bài viết này nhé!

Ngành Trắc địa là gì?

Ngành khoa học mà người ta chuyên nghiên cứu về hình dạng, kích thước Trái Đất, từ đó xây dựng các phương pháp đo đạc và và biểu thị bề mặt trái đất dưới dạng bản đồ và số liệu gọi là Trắc địa.

Ngành Trắc địa sẽ bao gồm nhiều bộ môn khoa học kỹ và kỹ thuật, tuy khác nhau nhưng lại có mối quan hệ chặt chẽ. Mỗi bộ môn sẽ có những chức năng riêng trong ngành:

  • Trắc địa cao cấp: Bộ môn này sẽ nghiên cứu về hình dạng và kích thước của toàn bộ hay các vùng rộng lớn của bề mặt Trái Đất. Song song đó là đo trọng lực, đo thiên văn hay nghiên cứu các hiện tượng biến dạng của vỏ Trái Đất, xây dựng mạng lưới tọa độ quốc gia có độ chính xác cao.
  • Trắc địa địa hình - địa chính: Bộ môn này nghiên cứu về quy trình của công nghệ thành lập bản đồ địa hình - địa chính. Sử dụng phương pháp đo vẽ trực tiếp học phương pháp sử dụng ảnh chụp từ máy bay không người lái hay ảnh vũ trụ để thành lập bản đồ.
  • Trắc địa ảnh: Đối với trắc địa ảnh, sẽ nghiên cứu các phương pháp để chụp ảnh bề mặt của trái đất và các công nghệ đo ảnh phục vụ cho việc thành lập các loại bản đồ như ảnh hàng không và ảnh viễn thám.
  • Trắc địa công trình: Trắc địa công trình sẽ nghiên cứu các phương pháp trắc địa phục vụ trong khảo sát địa hình tại một khu vực nhất định. Từ đó giúp chuyển thiết kế ra thực địa, theo dõi thi công, kiểm tra kết cấu công trình và đo đạc biến dạng các loại công trình.
  • Bản đồ: Bộ môn bản đồ nghiên cứu về các phương pháp biểu thị, biên tập, trình bày, chế bản, in và sử dụng các loại bản đồ địa lý, bản đồ địa hình, bản đồ địa chính cũng như các loại bản đồ chuyên đề khác.
  • Chế tạo máy và thiết bị đo vẽ: Bộ môn này sẽ giúp nghiên cứu và chế tạo ra các loại máy dùng để đo vẽ nội - ngoại nghiệp, xây dựng các phần mềm chuyên dụng cho việc xử lý, tích hợp, quản lý và khai thác số liệu trắc địa bản đồ.

Hình 1. Kỹ sư trắc địa đang tiến hành đo đạc.

Với sự phát triển không ngừng về điện tử - tin học, một khái niệm mới đã được đưa ra là “Địa tin học” (Tiếng Anh là Geomatic). Thuật ngữ này dùng để mô tả việc thu thập, lưu trữ, quản lý, thể hiện và ứng dụng thông tin trong hệ quy chiếu không gian. Hệ thống máy tính điện tử hiện đại sẽ quản lý các thông tin về vị trí, kích thước, hình dạng của các đối tượng ở thế giới thực và các thông tin liên quan khác để sử dụng. Các thông tin này được thu thập bằng cách sử dụng các kỹ thuật đo trực tiếp ở thực địa, kỹ thuật đo ảnh hàng không, ảnh viễn thám.

Lịch sử phát triển ngành Trắc địa

Ngành trắc địa gắn liền với sự phát triển của xã hội loài người:

Nhờ vào các tư liệu khảo cổ mà các nhà khoa học đã xác định được khá rõ lịch sử phát triển của ngành Trắc địa.

Vào khoảng 3000 năm trước công nguyên, việc phân chia và chiếm hữu đất đai ở Ai Cập đã hình thành. Hàng năm sau các trận lũ của sông Nile, người ta phải xác định lại ranh giới chiếm hữu đất. Chính điều này đã khiến cho con người sáng tạo ra các dụng cụ và phương pháp thích hợp cho công tác đo đạc, phân chia đất đai. Và khởi điếm đầu tiên của môn đo đất đã ra đời từ đó.

Vào thế kỷ thứ III trước công nguyên, nhà thiên văn học Aratosten đã dùng các phương pháp đo đạc để xác định độ dài của cung kinh tuyến và đưa ra được kích thước gần đúng của trái đất.

Sau Ai Cập thì đến nền văn minh Hy Lạp, khoảng thế kỷ thứ VI trước công nguyên, người Hy Lạp đã đề ra thuyết Trái Đất là một khối cầu. Vào thời kỳ đó, các kiến thức về đo đạc đã góp phần xây dựng thành công các công trình kiến trúc độc đáo còn tới ngày nay ở Ai Cập, Hy Lạp,..v…v…

Hình 2. Kim tự tháp Giza - Một trong 7 kỳ quan cổ đại.

Người ta cho rằng thuật ngữ Trắc địa có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ đại, có ý nghĩa là phân chia đất đai.

Sự xuất hiện của ngành trắc địa tại Việt Nam:

Ở Việt Nam, từ thời Âu Lạc chúng ta đã sử dụng các kiến thức Trắc địa và kỹ thuật đo đạc để xây dựng các công trình nổi tiếng như:

  • Thành Cổ Loa hình xoáy ốc.
  • Kinh đô Thăng Long.
  • Đào kênh nhà Lê.
  • ..v..v…

Hình 3. Thành Cổ Loa.

Năm 1496, Việt Nam đã có tập bản đồ mang tên “Đại Việt Hồng Đức” do vua Lê Thánh Tông ra lệnh vẽ. Đây là một dấu ấn quan trọng, minh chứng cho việc tổ tiên ta có kiến thức và biết ứng dụng Trắc địa - Bản đồ trong quản lý và xây dựng đất nước.

Vào thời kỳ Pháp thuộc, người Pháp đã lập ra “Sở Đạc điền Đông Dương” và đưa các nhân viên kỹ thuật cùng dụng cụ đo đạc đến Việt Nam để thành lập các loại bản đồ địa hình, địa chính. Mục đích của việc này là để khai thác, vơ vét tài nguyên ở Đông Dương.

Ngành Trắc địa - Bản đồ Việt Nam thực sự trở thành một ngành độc lập từ tháng 10 năm 1959, khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Cục Đo đạc bản đồ trực thuộc phủ Thủ tướng.

Ngày 22/2/1994, Chính phủ đã ra quyết định số 12/CP về việc thành lập Tổng cục Địa chính trên cơ sở hợp nhất Tổng cục quản lý ruộng đất và Cục đo đạc bản đồ Nhà nước. Cùng với đó là sự phát triển của các sản phẩm, công nghệ đo đạc nhằm nâng cao khả năng đáp ứng cho các nhu cầu công việc, điển hình có thể kể đến các công nghệ Scan 3D Laser được tích hợp trên một số dòng máy toàn đạc chất lượng cao. Tham khảo thêm: Lịch sử phát triển máy toàn đạc>>>

Hình 4. Máy toàn đạc được tích hợp công nghệ Scan 3D Laser.

Ngành Trắc địa - Bản đồ Việt Nam đã triển khai công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật Trắc địa - Bản đồ trong xây dựng lưới tọa độ, độ cao cấp Nhà nước thành lập các loại bản đồ địa hình, địa chính và bản đồ chuyên đề phục vụ điều tra cơ bản, quản lý, xây dựng và bảo vệ đất nước.

>>> Xem thêm: NHỮNG DÒNG MÁY ĐO ĐẠC CƠ BẢN ĐƯỢC SỬ DỤNG PHỔ BIẾN TRONG NGÀNH TRẮC ĐỊA