Tin tức

ĐO MƯA, ĐẾM GIÓ Ở TRƯỜNG SA

ĐO MƯA, ĐẾM GIÓ Ở TRƯỜNG SA

Bất kể nắng mưa hay giông bão, cán bộ, nhân viên khí tượng thủy văn ở Trường Sa vẫn lặng lẽ, nhẫn nại làm việc. Ngày qua ngày, họ miệt mài “bắt bệnh ông trời” để kịp thời cho ra những bản tin dự báo thời tiết phục vụ ngư dân

 “Ở Trường Sa không chỉ có quân và dân” - Biết chúng tôi ra thăm Trường Sa, một nữ cán bộ Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia gợi ý - “Các bạn ra đó cố gắng tranh thủ gặp anh em khí tượng thủy văn, có nhiều chuyện hay và cảm động lắm”.

Trạm tiền tiêu nơi đảo xa

Thực ra, tôi từng nghe nhiều câu chuyện về Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa - Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ. Nơi đây được coi là “con mắt” báo bão sớm nhất cả nước, là trạm tiền tiêu nơi đảo xa của ngành khí tượng thủy văn.

Trước khi lên đảo Trường Sa Lớn, tôi cứ hình dung lực lượng quan trắc viên khí tượng bám trụ nơi đây hẳn là những người lớn tuổi, nghiêm nghị và rất khô khan, bởi suốt ngày họ phải vùi đầu vào các con số vô tri, tẻ nhạt. Nhưng không, tôi đã nhầm, anh em ở trạm đều rất trẻ và yêu nghề, mến khách.

Một trong những người có thâm niên lâu nhất, với 6 năm trong nghề, là trạm trưởng Đoàn Tấn Phước. Trước khi ra Trường Sa được hơn 1 năm nay, Phước công tác ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. “Công việc của tụi tôi cũng đơn giản thôi, hằng ngày đo mây, mưa, gió, khí áp, nhiệt độ... rồi gửi về Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ để đất liền tổng hợp và đưa ra các bản tin dự báo thời tiết chính xác nhất ở khu vực quần đảo Trường Sa” - anh kể.

Trạm trưởng Đoàn Tấn Phước thu thập số liệu quan trắc gửi về đất liền

phục vụ công tác dự báo thời tiết ở quần đảo Trường Sa

Ở quần đảo Trường Sa có 2 trạm khí tượng hải văn, 1 trạm hạng 1 ở đảo Trường Sa Lớn và 1 trạm hạng 2 tại đảo Song Tử Tây. Cán bộ, nhân viên khí tượng thủy văn ra công tác Trường Sa thường là 3 năm thì trở về đất liền hoặc đến những hòn đảo khác để nhận nhiệm vụ mới.

Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa có 7 cán bộ, nhân viên, toàn bộ là nam giới, phần lớn chưa vợ con. Người nhỏ tuổi nhất mới 21, lớn tuổi nhất cũng chỉ 30. “Tụi tôi cứ tếu táo với nhau rằng anh em mình cứ như 7 chàng lính ngự lâm trên đảo” - Phước cho biết.

 

Bảy anh em, mỗi người mỗi quê nhưng sống hòa đồng, đoàn kết và luôn hết mình vì công việc. “Ngày nào cũng như ngày nào, cán bộ, nhân viên của trạm phải thực hiện 8 lần đo các thông số để báo cáo về đất liền. Cứ 3 giờ/lần, anh em lại tiến hành đo và truyền số liệu, bắt đầu từ 1 giờ cho đến tận 22 giờ. Do điều kiện hạn chế, nhiều thông số phải ghi chép bằng tay” - anh Phước mô tả.

Nói thì nghe đơn giản vậy nhưng công việc của những cán bộ, nhân viên Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa hết sức vất vả. Bất chấp trời nắng như đổ lửa hay mưa như trút nước, bất kể sóng vùi hay bão dập, việc đo mưa, đếm gió vẫn không thể chậm, dù chỉ vài phút. Anh Phước khẳng định: “Cứ đúng giờ là phải đo đếm, dù thời tiết có như thế nào đi nữa, để kịp thời chuyển các thông số về trung tâm ở đất liền phân tích, xuất bản những bản tin dự báo thời tiết phục vụ ngư dân đi lại trên biển được an toàn”.

Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa (Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ)

Máy móc đặt ở khu vực Trường Sa thường xuyên bị nước biển và muối bào mòn nên chất lượng bị xuống cấp liên tục. Đây là điều khiến các cán bộ, nhân viên ở trạm lo lắng nhất. Số liệu để dự báo thời tiết ảnh hưởng đến sinh mệnh của rất nhiều người, nhất là những ngư dân trên biển, nên đòi hỏi phải đo đếm chính xác. Vì vậy, anh em phải thường xuyên lau chùi, bảo dưỡng, khi cảm thấy máy đo không bảo đảm thì phải lấy máy dự phòng ra thay thế, chứ không để số liệu sai lệch.

“Đó là lương tâm nghề nghiệp. Nếu mình đo đếm không đạt, dự báo thiếu chính xác sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người, trong đó có sinh mạng của hàng vạn đồng bào đang đánh bắt trên biển” - Phước tâm sự.

 

Gian nan, nguy hiểm

Một nhân viên Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa kể rằng nhiều lần gặp bão lớn, gió giật ầm ầm, cứ mở cửa đi ra thì người như chực ngã nhưng anh em vẫn phải thức trực suốt đêm. Cứ 30 phút đến 1 giờ, họ lại phải lao ra ngoài vườn để đo đếm số liệu và làm báo cáo gửi về đất liền.

“Ở đây, anh em báo cáo số liệu qua điện thoại di động chứ không phải bằng internet. Nếu điện thoại mất sóng thì phải gọi bằng Icom vào đất liền. Trang thiết bị còn thiếu nên anh em phải linh hoạt trong việc cập nhật số liệu. Chẳng hạn, trời có giông, sấm chớp hay mưa, anh em phải quan sát bằng mắt thường. Giông giờ nào, sấm chớp giờ nào phải ghi ngay vô sổ. Vì thế, mùa mưa bão là gian nan và nguy hiểm nhất” - anh giải thích.

Đảo Trường Sa

Trạm trưởng Đoàn Tấn Phước bộc bạch làm quản lý ở đảo, anh không chỉ lo về chuyên môn mà còn phải bảo đảm cả đời sống, bữa ăn cho anh em. Thực phẩm thường phải gửi mua từ đất liền mang ra rồi trữ trong tủ đông để dùng suốt 2 tháng. Nếu tàu không ra được thì anh em sẽ rất khó khăn, chẳng có gì ăn. “Trạm trưởng cứ như người cha chăm sóc cho những đứa con trong gia đình vậy. Anh ấy phải lo thức ăn cho anh em xem thiếu đủ thế nào” - nhân viên Nguyễn Hồng Tiến cho biết.

Tiến tâm sự rằng mỗi khi có khách ra thăm quân và dân Trường Sa, anh em ở trạm rất vui mừng, náo nức, nhất là lúc đón đoàn ở cầu cảng. Song, khi tiễn đoàn về, lúc tàu hú một hồi còi để rời đảo, anh em cảm thấy rất buồn bã và luyến tiếc. “Hồi mới ra đảo nhận nhiệm vụ, khi tiễn đoàn về, nhiều lúc mình đã khóc vì xúc động. Cũng như lần này, các anh ra thăm đảo, rồi đêm nay, anh em mình lại chia xa thì chúng tôi sẽ lại không khỏi nao lòng” - Tiến bộc bạch.

NGUỒN: BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Từ khóa liên quan: quan trắc khí tượng thủy văn