Tin tức

2023 - Năm dữ liệu số quốc gia với Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS ngày 4/4/2023

2023 - Năm dữ liệu số quốc gia với Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS ngày 4/4/2023

Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS ngày 4/4/2023 về BAN HÀNH KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN QUỐC GIA VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NĂM 2023 đã đưa ra các mục tiêu nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng mang lại kết quả thực chất, bền vững, tập trung vào: Dữ liệu số, Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số và An toàn, an ninh mạng.

5 chỉ tiêu quan trọng cụ thể cần thực hiện trong năm 2023 - Năm Dữ liệu số quốc gia

Thông tin được lấy từ: Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS ngày 4/4/2023 về BAN HÀNH KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN QUỐC GIA VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NĂM 2023

1. Dữ liệu số:

Dữ liệu số là chỉ tiêu quan trọng đầu tiên cần thực hiện để chuyển đổi số. Các mục tiêu về dữ liệu số được đề ra là:

Thứ nhất: 100% bộ, ngành, địa phương phấn đấu với mục tiêu:

  • Ban hành các danh mục cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi đơn vị quản lý và kế hoạch cũng như lộ trình cụ thể để xây dựng và triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục.
  • Ban hành các kế hoạch về dữ liệu mở, bao gồm: Danh mục dữ liệu mở, công bố dữ liệu mở của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi đơn vị quản lý và mức độ tối thiểu cần đạt được trong từng giai đoạn. Bên cạnh đó, cũng tiến đến cung cấp lần một dữ liệu mở theo kế hoạch.
  • Cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu (NDXP/LGSP).
  • Triển khai chức năng kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin về giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh để khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, người dân, doanh nghiệp chỉ cần cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước một lần.

Thứ hai, trên 30% bộ, ngành, địa phương phấn đấu tiến hành triển khai các nền tảng phân tích và xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh và có ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa hoạt động.

Thứ ba, 100% bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước tiến hành triển khai các hoạt động nhằm nâng cao năng lực phát triển và quản trị dữ liệu của cán bộ thuộc phạm vi đơn vị quản lý.

Thứ tư, 100% cơ sở đào tạo ở trình độ cao đẳng, đại học, các trường/ tổ chức thuộc phạm vi quản lý của nhà nước tiến hành bổ sung vào chương trình đào tạo các nội dung liên quan đến dữ liệu lớn, thiết kế, phân tích, xử lý dữ liệu phù hợp với đặc thù của ngành (nếu chương trình đào tạo chưa có).

Thứ năm, 100% các kênh truyền thông trực tuyến của nhà nước (trang, cổng thông tin điện tử) được đánh giá an toàn thông tin và dán nhãn tín nhiệm mạng.

2. Chính phủ số:

Năm dữ liệu số quốc gia cũng là năm mà Chính phủ tập trung vào chuyển đổi số với mục tiêu:

  • 100% bộ, ngành, địa phương thực hiện nâng cao chất lượng và hiệu quả trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến bằng các hoạt động cụ thể, đồng thời hoàn thành triển khai các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử.
  • 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 40% dịch vụ công trực tuyến toàn trình được tích hợp và được cung cấp trên cổng Dịch vụ công quốc gia.
  • 30% các thanh toán trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công được thực hiện tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 60% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
  • 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.
  • 100% số hóa các kết quả giải quyết thủ tục hành chính và 50% hồ sơ thủ tục hành chính được người dân, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến từ xa.
  • Trên 30% bộ, ngành, địa phương triển khai trợ lý ảo phục vụ hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức và phục vụ người dân, đồng thời triển khai kết nối với hệ thống thông tin của đối tượng quản lý để thu thập dữ liệu trực tuyến phục vụ công tác quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.
  • Trên 10% hoạt động kiểm tra hành chính định kỳ của cơ quan quản lý nhà nước đối với đối tượng quản lý được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
  • Trên 50% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản.

3. Kinh tế số:

Đối với chỉ tiêu kinh tế số, các mục tiêu được đặt ra trong năm 2023 là:

  • Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP là trên 16% và tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ là trên 8,5%.
  • 100% bộ, ngành, địa phương ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số, triển khai các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục, y tế thuộc phạm vi quản lý.
  • Trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận dùng thử các nền tảng chuyển đổi số, trong đó trên 30% thường xuyên sử dụng các nền tảng chuyển đổi số.

4. Xã hội số:

Đối với chỉ tiêu xã hội số, các mục tiêu được đặt ra là:

  • Trên 80% thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh.
  • Trên 85% hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng.
  • Trên 30% dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử.
  • Trên 20% dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân.
  • Trên 75% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác.
  • Trên 60% dân số trưởng thành có tài khoản dịch vụ công trực tuyến.
  • Trên 30% dân số trưởng thành sử dụng nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa.
  • Trên 80% dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử.

5. An toàn, an ninh mạng:

Đối với chỉ tiêu an toàn và an ninh mạng, các mục tiêu được đặt ra là:

  • Trên 80% hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước hoàn thành phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin.
  • Trên 30% hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
  • Trên 20% thuê bao điện thoại di động thông minh có sử dụng phần mềm an toàn thông tin mạng cơ bản.
  • Trên 10% hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng có sử dụng giải pháp an toàn thông tin mạng cơ bản.

Hướng đến mục tiêu chuyển đổi số, ngành xây dựng cũng đã đưa ra lộ trình để áp dụng BIM từ năm 2023 và triển khai theo từng giai đoạn, hướng đến mục tiêu chuyển đổi số toàn ngành trong tương lai. Xem ngay: CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XÂY DỰNG VÀ LỘ TRÌNH ÁP DỤNG BIM TỪ 2023 >>>